Hiện nay, ngoài thờ chính là Sát Hải Đại Vương, tại đền Đệ Nhất còn phối thờ các vị Phật, Thánh, Thần được rước từ các đền chùa trong xã và các xã lân cận về phối tự, như: Phật Bà Quan Âm, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đông Phương Thái Giám, Bắc Phương Thái Giám, Tây Phương Thái Giám, Nam Phương Thái Giám, Hưng Đạo Đại Vương, Tam Tòa Thánh Mẫu, Khổng Tử, Song Đồng Ngọc Nữ của làng Văn Vật (xã Diễn Liên), Bản thổ Thành hoàng của làng Đông Phú (xã Diễn Nguyên), Bản Xứ Anh linh của làng Đông Phú (xã Diễn Nguyên), Ngô Vương thượng đẳng chính thần của làng Thư Phủ (xã Diễn Thái), Bản cảnh Thông duệ tôn thần của làng Thư Phủ (xã Diễn Thái), Bản cảnh Thành hoàng Linh hựu của làng Thư Phủ (xã Diễn Thái), Hoa Lang Thái Tể Hồ Quốc công của làng Lý Trai (xã Diễn Kỷ)… Và hơn mười thần hiệu nữa mà chúng ta chưa xác định được của làng nào và thần tích cụ thể.
Hàng năm, ở đền Đệ Nhất có bốn kỳ đại lễ là: Thượng Nguyên (15/1 âm lịch), giỗ Sát Hải Đại Vương và Thanh Minh (15/3 âm lịch), Kỳ Phúc (15/6 âm lịch), Tạ cuối năm (15/12 âm lịch). Ngoài ra còn có các ngày lễ tiết theo truyền thống dân tộc và ngày sóc, vọng hàng tháng. Những kỳ lễ này đều được tổ chức trang nghiêm theo phong tục cổ truyền và duy trì đều đặn từ xưa đến nay, nhân dân và khách thập phương về dự lễ, chiêm bái ngày càng nhiều.
Đền Đệ Nhất là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân Diễn Nguyên nói riêng và cả vùng nói chung, phục vụ nhu cầu thăm viếng, tưởng niệm người có công với quê hương, đất nước, gắn liền với tín ngưỡng thờ thần của người Việt, và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Đặc biệt, đây là một di tích đặc trưng cho Tam giáo đồng tôn: Có chùa thờ Phật, có đền thờ Thần, có Nhà Thánh thờ Thánh Sư; thể hiện sự phong phú về văn hóa, giao thoa về tư tưởng.
Đền Đệ Nhất được nhân dân địa phương luôn chăm lo, bảo vệ và tâm đức tôn tạo nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu về tâm linh của người dân địa phương.