Sâm Ngọc Linh được rao bán với giá cắt cổ, liệu có “quý, hiếm” như lời đồn?
Sâm ngọc linh còn có tên gọi khác là sâm của người Việt, sâm khu 5, với tên khoa học là Panax vietnamensis, thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Đặc điểm cây mọc dưới tán rừng, hỗ giao, có độ che phủ tương đối tốt, thường mọc ven các suối hoặc khe đá, những khu vực ẩm ướt, có dòng nước lưu thông.
Bộ phận dùng của cây thường là thân rễ của hoặc đôi khi là lá của cây, sau khi rửa sạch và thu hái sẽ được phơi khô hoặc dùng tươi trực tiếp. Đây là loài đặc hữu của Việt Nam được trồng tự nhiên và thường mọc ở vùng núi của Việt Nam, dọc theo các tỉnh từ Kon Tum, Quảng Nam.
Thành phần chính có trong thân rễ là saponin, cho đến nay các nhà nghiên cứu thực vật học đã tìm ra khoảng 52 saponin riêng lẻ. Các saponin này được phân loại thành các nhóm phụ như protopanaxatriol, protopanaxadiol và ocotillol. Ngoài ra còn có thành phần là những acid béo, với hàm lượng trong thân rễ tương đối cao, chiếm đến 0,55% bao gồm các acid stearic, acid palmitic, và acid oleic, các acid amin khác là acid glutamic, cysteine, valin, prolin, glycin, alanin, cùng được xác định trong thành phần của dược liệu này. Một số khoáng chất, vitamin, tinh dầu, sterol, glucid cũng được tìm thấy trong thân rễ của Sâm ngọc linh.
Sâm Ngọc Linh được bán tràn lan với giá “cắt cổ"
Sâm ngọc linh có tác dụng kích thích thần kinh, làm tăng hoạt động của dẫn truyền thần kinh trung ương, giúp tăng cường hoạt động dẫn truyền thần kinh và cải thiện khả năng ghi nhớ. Ở liều dùng 1 lần mỗi ngày trên chuột thử nghiệm cho thấy tác dụng chống trầm cảm của Sâm ngọc linh, tác dụng này cũng được chứng minh trong nhiều nghiên cứu lâm sàng của loại dược liệu này.
Nhắc đến sâm, nhiều người không còn xa lạ với tác dụng bồi bổ thể trạng của loại dược liệu này nữa. Nghiên cứu cho thấy Sâm ngọc linh giúp làm tăng khả năng chịu đựng và khả năng dẻo dai của chuột, khiến chúng bơi lội nhanh hơn, nhanh chóng hồi phục thể trạng và chống lại cảm giác mệt mỏi.
Các nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng sâm ngọc linh trên động vật thử nghiệm giúp làm tăng tỷ lệ sống sót ở những con phơi nhiễm với E.coli gây chết, giúp làm tăng khả năng phòng vệ của cơ thể trước những tác nhân tấn công từ bên ngoài, nhờ vào tác dụng tăng cường thực bào vi khuẩn.
Sâm Ngọc Linh giả trà trộn với hàng thật
Mặc dù nhiều công dụng là vậy, nhưng các chuyên gia khuyến cáo rằng “Bổ quá cũng cần phải coi chừng”. Không có một vi thuốc nào là thần dược và có khả năng trị bách bệnh, cải lão hoàn đồng. Thậm chỉ ở những người có bệnh lý tim mạch, sử dụng Sâm ngọc linh cần coi chừng vì thành phần của loại sâm này có chứa hàm lượng saponin rất cao. Có thể khiến người dùng tăng huyết áp, giảm nhịp tim đập mạnh hơn, rất nguy hiểm.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, do sản lượng sâm ngọc linh rất ít nhưng giá trị lại rất cao, do đó không tránh khỏi trường hợp mua phải sâm ngọc linh giả, khiến tiền vừa mất mà tật lại mang. Nhiều trường hợp mua phải sâm ngọc linh thật nhưng đã bị chiết hết hoạt chất, chỉ còn lại xác sâm ngọc linh không. Trường hợp này ít nguy hiểm hơn, trường hợp mua phải sâm giả, có nguy cơ rất cao gây độc cho người dùng bởi một củ lạ nào đó. Ngoài ra trên thị trường còn có hình thức rượu sâm không rõ nguồn gốc, với loại này người mua càng cần phải cảnh giác vì không biết chắc loại sâm được ngâm có phải Sâm ngọc linh thật hay không. Vì thế nguy cơ chất lượng không đảm bảo lại càng cao.
1. Dược sĩ Phương Thảo, Sâm Ngọc Linh - Nhà thuốc online Ngọc Anh, truy cập ngày 3/8/2023.
2. Dược sĩ Lưu Anh, SÂM VIỆT NAM (Thân rễ và rễ), truy cập ngày 3/8/2023.
Tác giả: Dược sĩ Anh Thư tốt nghiệp Trường Đại học Y dược Huế, hiện tại đang làm việc tại Nhà thuốc Ngọc Anh
Nguồn tin: diennguyen.gov.vn
Các tin khác